Vì sao doanh nhân nên đầu tư vào thương hiệu cá nhân?
Nếu bạn thực sự muốn nổi bật giữa đám đông và tạo dựng khoảng không riêng trong lĩnh vực đang kinh doanh, bạn phải đầu tư vào thương hiệu cá nhân.
Bất kể sản phẩm kinh doanh của bạn là thực phẩm hay siêu xe, thì bạn đều cần quan tâm đến việc thương hiệu công ty đang liên kết với điều gì trong hình dung của người tiêu dùng. Người dùng có cảm thấy tin tưởng khi nghe đến tên thương hiệu của công ty bạn không? Điều này phụ thuộc vào danh tiếng trước đó của công ty bạn.
Song, trong bối cảnh hiện đại, câu chuyện không đơn thuần là một thương hiệu chung của doanh nghiệp mà còn liên quan đến thương hiệu của mỗi cá nhân. Thông qua tạo dựng một thương hiệu cá nhân đáng tin cậy, bạn sẽ có được lợi thế vững chắc trong lĩnh vực kinh doanh mà khó ai có thể tước đi được.
Ngoài ra, thương hiệu cá nhân còn giúp bạn tìm được những công việc và khách hàng tiềm năng vì bạn khẳng định được vị thế chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định.
“Một thương hiệu cá nhân được định vị tốt đi cùng một chiến lược marketing hiệu quả sẽ tạo ra sức mạnh cho thương hiệu cá nhân của bạn trên thị trường. Thương hiệu cá nhân sẽ mang đến lợi ích cho cả bạn lẫn công ty. Đây sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên mối quan hệ giữa bạn và các đối tác trong cùng ngành. Thương hiệu cá nhân của một doanh nhân sẽ giúp người ấy không bị đóng khung chỉ trong một vai trò nhất định. Vị doanh nhân này có thể tạo ra sức ảnh hưởng đến đối tác lẫn người tiêu dùng đang hoạt động trong lĩnh vực ấy”, Renan Gohino – CEO và đồng sáng lập của Flirtar Inc. nhìn nhận.
Khi bạn thích hoặc không thích một điều gì đó về một thương hiệu, bạn sẽ kể lại trải nghiệm của mình với những người xung quanh, thông qua những cuộc trò chuyện trực tiếp hoặc trên mạng xã hội. Đây gọi là marketing truyền miệng.
Sở hữu một thương hiệu cá nhân sẽ cho bạn cơ hội được khách hàng nhắc đến trong mỗi lần họ tương tác với bạn. Bạn càng được nhắc đến nhiều thì sẽ càng định vị rõ hình ảnh của bạn trong lĩnh vực đang kinh doanh. Cách tốt nhất để quảng bá thương hiệu cá nhân là thông qua việc kết nối với nhiều chuyên gia cùng ngành và duy trì mạng lưới quan hệ này.
“Điều quan trọng là chất lượng của những mối quan hệ bạn có. Ví dụ như một trong những thần tượng của tôi là ông Ajay Piramal – Chủ doanh nghiệp nhiều tỷ đô tại Ấn Độ, công ty Piramal. Ông giữ một kỷ lục đáng kinh ngạc về lượng cổ đông giàu có trong vòng 3 thập niên qua. Từ những mối quan hệ tạo lập được trên thương trường, ông có thể mang về nhiều thương vụ giá trị cho công ty. Bên cạnh đó, những nhà bán lẻ, nhà phân phối, khách hàng lẫn người tiêu dùng tạo dựng được mối quan hệ với ông cũng được bảo chứng về thương hiệu cá nhân của họ. Từ đó, các bên có thể tạo ra được những hợp tác kinh doanh tiềm năng, thông qua chiến lược marketing truyền miệng và chiến lược PR tốt”, Soumya Malani – CEO của ShareBazaar chia sẻ.
Thương hiệu cá nhân không đơn thuần là “hét toáng” tên của bạn lên giữa đám đông. Bạn cần phát triển kỹ năng của bản thân trong một lĩnh vực nhất định, và xây dựng các mối quan hệ để dần tạo lập vị thế chuyên gia cho mình. Để làm được điều này, bạn cần xác định rõ thế mạnh của bản thân có thể giúp người khác như thế nào và sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng của mình. Theo thời gian, thương hiệu cá nhân của bạn sẽ đủ vững chắc để mang đến những khách hàng tiềm năng lẫn thu hút sự chú ý từ những nhà đầu tư.
“Đối với thương hiệu cá nhân, mạng xã hội và internet là những kênh tốt nhất để tạo dựng. Hãy chia sẻ những suy nghĩ, trải nghiệm của bạn với người đọc. Điều này cũng sẽ giúp bạn gia tăng sự hiện diện trong mắt các nhà đầu tư”, Shweta Agrawal – Sáng lập của Voodly chia sẻ.